Đàn tế được xây dựng trong phạm vi ngọn Ấn Sơn, rộng 46 ha. Trong đó, điểm đặt đàn tế là đỉnh núi Ấn. Đàn tế có 2 tầng nền gồm hình vuông bên dưới và hình tròn bên trên tượng trưng cho trời và đất. Quanh khu Đàn tế từ đỉnh Ấn Sơn đi xuống còn có Đền Ấn, trong đó có khu vực đặt bài vị của ba anh em nhà Tây Sơn, hồ bán nguyệt, nghi môn, nhà quản lý khu di tích…
Ấn Sơn là ngọn núi thấp, được bao bọc bởi những dãy núi cao trùng điệp. Với người dân Bình Định từ xa xưa, ngọn Ấn Sơn là nơi linh khí tụ hội.
Công trình Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn gồm các hạng mục: Đàn thiêng để tế Trời Đất, Đền Ấn và các công trình phụ trợ (tháp Báo Thiên, sân luyện võ, khu ban quản lý, chòi nghỉ, hồ bán nguyệt, miếu thờ thổ công, cổng sân…) được bố trí theo trục thần đạo hướng Nam – Bắc trên khu đất rộng 46 ha, với tổng kinh phí trên 50 tỉ đồng, do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ, Công ty CP Khoáng sản và Năng lượng An Phú làm chủ đầu tư.
Đàn tế trời đất tọa lạc trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng: Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính 27 m, tượng trưng cho Trời, được xây bao bằng đá ong, lan can đá màu đỏ bao quanh, nền đất nện chặt, một lối lên từ hướng Nam có 5 bậc. Chính giữa Viên Đàn đặt sập đá và nhang áng đá là áng thờ Trời – Đất. Tầng thứ hai gọi là Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 54 m, tượng trưng cho Đất, cũng được xây bao bằng đá ong, lan can đá màu vàng bao quanh, 4 lối lên theo 4 hướng Nam-Bắc-Đông-Tây, mỗi lối lên có 9 bậc. Nơi đây khi tế lễ sẽ bố trí các áng thờ thần như: thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm…
Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bao bằng tường đá ong có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng Nam với cổng tam quan, 2 tầng, lối đi chính có 2 tầng mái, bên trong tam quan là một bức bình phong bằng đá, ba hướng còn lại là 3 nghi môn kiểu tứ trụ thẳng hàng, là nơi chuẩn bị và một số nghi thức diễn ra ở đây trước khi tế lễ.
Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn gồm 3 hạng mục: Tiền tế có kiến trúc mặt bằng chữ Nhất, 5 gian, mái chái, có đầu đao. Nhà Tiền tế có bàn thờ chung các tướng lĩnh và quân sĩ thời Tây Sơn. Tiếp sau Tiền tế là Phương đình – nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hòa giữa Trời và Đất, giữa Âm và Dương, ở đây sẽ đặt bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn.
Phía trong cùng là kiến trúc Hậu cung, mặt bằng chữ nhất, 3 gian, mái chái là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Phía trước cổng Tam quan ngoài cùng của trục chính là hồ nước hình bán nguyệt vừa tạo phong thủy tốt cho hướng chính diện của Đàn tế vừa tạo điểm nhấn cho tổng thể qui hoạch Đàn thiêng. Ngoài hồ nước còn có một “nghi môn ngoại” ngăn cách giữa không gian tâm linh với bên ngoài.
Theo truyền thuyết, trước khi khởi binh ra Bắc để thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước, ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã lên núi Ấn - ngọn núi thiêng thuộc thôn Hoà Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn lập đàn tế xin trời đất trao ấn, kiếm lệnh để dấy binh khởi nghĩa.
Cảm lòng người, trời đất đã linh thiêng trao “Kiếm lệnh và ấn hình vuông có khắc bốn chữ “Sơn - hà – xã - tắc” đã phù hộ ba anh em Tây Sơn hoàn thành thắng lợi sự nghiệp thống nhất đất nước. Sau này khi Nguyễn Huệ đã trở thành Hoàng đế Quang Trung nhưng vì phải lo toan nhiều việc lớn rồi không may mất sớm nên ông chưa về lại nơi đây để lễ tạ.
Việc đầu tư xây dựng Đàn tế trời đất núi Ấn là thể hiện lòng tôn kính và ghi nhớ công lao to lớn của nghĩa quân Tây Sơn lúc ban đầu dựng cờ chống lại thù trong giặc ngoài. Đồng thời, đàn tế trời tạo nên một điểm nhấn du lịch hấp dẫn cùng với bảo tàng Quang Trung và những di tích đền thờ nghĩa quân Tây Sơn nằm trên trục đường quốc lộ 19 từ Quy Nhơn lên An Khê –Gia Lai.
Theo ông Lê Hữu Lộc – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, công trình khu du lịch tâm linh Ấn Sơn là tấm lòng của hậu nhân đối với tiền nhân lưu danh muôn thuở; có thêm công trình này, Bình Định có thêm một địa chỉ để nhân dân cả nước, du khách gần xa đến thăm viếng, bày tỏ, chiêm bái tinh thần phong trào Tây Sơn trường tồn.
Nguồn bài viết: UBND Huyện Tây Sơn - Bình Định
Chia sẻ thông tin này:
Rượu bầu đá là một sản phẩm truyền thống của Bình Ðịnh đã nổi tiếng từ rất lâu. Tương truyền, từ nhiều thế kỷ trước, những người dân nghèo ờ gò Cù Lâm, thôn Bàu Ðá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, trong khi tìm kế sinh nhai đã nấu rượu và sử dụng nguồn nước ngầm rỉ ra từ bàu đá tại thôn Bàu Ðá.
Tại núi Ấn Sơn, thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai xây dựng dự án đàn tế trời đất và một số công trình du lịch. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 46ha gồm các hạng mục chính như: đàn tế trời đất, khu đền ấn, đường hành lễ... với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 49 tỉ đồng do BIDV vận động các doanh nghiệp hỗ trợ cùng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đàn tế được xây dựng trong phạm vi ngọn Ấn Sơn, rộng 46 ha.
Đang online: 11
Lượt truy cập: 1506206